[tintuc]

1. KẾT CẤU MÓN ĂN

Có phải tất cả các món ăn đều có kết cấu giống nhau? Món ăn đều đẹp ở mọi góc chụp? Thực sự, ở cùng một trang thái, từng món ăn đều có mỗi góc chụp "thần thánh" khác nhau. Tại sao lại như vậy? Đó chính là do sự khác biệt trong kết cấu của món ăn.

1.1 Kết cấu trục dọc (trục đứng):

Đây là những món ăn có sự chuyển biến khác biệt rõ giữa các bộ phận theo trục dọc:

  • Sở hữu cấu trúc phân tần: hamburger, bánh ngọt nhiều lớp, cà phê nhiều tầng.

 

 

Đang ở trạng thái chảy, rơi, dòng chảy, kéo sợi: lòng đỏ trứng bị bể, gắp sợi mì, rót nước.

 Các loại nước uống: nước giải khát, bia, trà sữa.

 

1.2 Kết cấu trục ngang (trải rộng bề mặt)

Khác với món ăn có kết cấu theo trục dọc, những món ăn có kết cấu theo trục ngang lại có sự chuyển biến theo bề mặt:

  • Không có bề dày: pizza, bánh tráng nướng, bánh xèo miền Nam.

 Dàn trải bề mặt: các món súp, món mì nước, món xào.

 

 

 1.3 Kết cấu đa trục

Đây là những món mà chúng ta không thể xác định rõ kết cấu trục của món ăn hoặc sở hữu cả 2 trục dọc và ngang:

  • Không có kết cấu trục rõ ràng: các món có 4 mặt gần như không có sự khác biệt như đùi gà chiên xù, kẹo viên.

 

 

(Gà chiên xù là loại thức ăn không có kết cấu trục rõ ràng)

 Kết cấu đa trục: có sự khác biệt ở cả trục dọc và trục ngang như các loại bánh ngọt, salad

(Chiếc bánh rau câu 4D được trang trí cả trên mặt bánh và dọc thân bánh)

 

(Ly nước đang tung tóe cũng có kết cấu đa trục: trục dọc thể hiện các tầng nước, hình dáng giọt nước bắn thì trục ngang thể hiện độ tỏa và lòng trũng của phần nước bắn)

 2. ĐẠO CỤ

Có một câu hỏi mà có lẽ sẽ dấn đến một cuộc chiến không hồi kết, đó là "nên lựa chọn đạo cụ phù hợp với món ăn hay bày xếp món ăn tùy theo loại chén dĩa?". Ngay lập tức, các bạn food stylist sẽ trưng ngay biểu ngữ "chụp món ăn thì món ăn phải là anh hùng, tất cả đều phải xoay quanh chế". Và khi cận kề buổi chụp, props stylist lại thỏ thẻ với food stylist: "Bạn food này, mình không tìm được đạo cụ như ý, bạn food có thể linh động sắp xếp món ăn lại được không?". Thế là bạn food stylist phải ngậm ngùi vận dụng hết tất cả nơron thần kinh của mình để thiên biến vạn hóa sao cho phù hợp.

Nhưng không có nghĩa lúc nào "food" cũng phải đi hầu hạ "props" và ngược lại. Chúng ta có thể linh động khi bị ràng buộc bởi các giới hạn về nguồn lực. Còn khi tiềm lực đầy đủ, thiết nghĩ 2 điều đó sẽ được ràng buộc trong mối quan hệ tương hỗ và cùng xoay quanh concept để thể hiện tốt nhất mục đích của bức ảnh. Props sẽ có vai trò kết hợp và hỗ trợ tôn vinh món ăn. Ngược lại, món ăn cũng cần phối hợp, tránh làm lu mờ đóng góp của props trong khung ảnh.

2.1 Đạo cụ phẳng, lòng cạn:

Gồm các loại đạo cụ như dĩa phẳng, thớt, tô chén lòng cạn. Đạo cụ này thích hợp với hầu hết các loại món ăn, từ kết cấu trục dọc, trục ngang hoặc đa trục. Tuy nhiên, do cấu tạo phẳng nên không thể sử dụng cho những loại món ăn có nước.

 

(Thớt, mẹt, khây là đạo cụ phẳng/lòng cạn)

 2.2 Đạo cụ có gờ cao, lòng sâu:

Bao gồm chén, tô lồng sâu, túi, hộp, rổ miệng rộng. Loại đạo cụ này thường chỉ được sử dụng với các món ăn có kết cấu trục ngang.

 

(Rổ, thúng, giỏ là đạo cụ lòng sâu/gờ cao)

 

(Ly, tách bằng sứ cũng là đạo cụ có gờ cao/sâu lòng)

 

2.3 Đạo cụ thủy tinh thành cao, miệng hẹp:

Có thể kể tên các loại đạo cụ trong nhóm này như ly, chai lọ,… và chúng chỉ được kết hợp với các món ăn có kết cấu trục dọc.

 

3. GÓC CHỤP

Mỗi món ăn đều có từng "góc vàng" riêng và nó phụ thuộc vào kết cấu của món ăn. Nhiệm vụ của người chụp ảnh là phải nắm bắt được phần "ăn tiền" này. Muốn làm được điều đó, cần sắp đặt góc chụp sao cho bao quát được phần kết cấu nổi trội của món ăn.

3.1 Góc chụp cho món ăn có kết cấu theo trục dọc:

Góc chụp từ 0o – 60o do điểm sáng của món ngon được món ăn được phân bổ theo trục dọc nên chỉ những góc máy ngang và nghiêng mới bao quát được phần này.

 

(Bia là loại sản phẩm có trục dọc, sử dụng đạo cụ ly thủy tinh nên được chụp ở góc 0 độ để nắm bắt đầy đủ cái yếu tố như lớp bọt trên mặt, lớp bọt sủi li ti và màu vàng rực của bia)​​​​​​​

 

3.2 Góc chụp cho món ăn có kết cấu theo trục ngang:

Ngược lại với các món ăn có kết cấu theo trục dọc, kết cấu món ăn theo trục ngang lại phân bổ điểm vàng theo diện tích bề mặt. Góc chụp từ 30o – 90o sẽ thích hợp cho loại kết cấu này.

 

(Thịt kho tiêu là thức ăn không có kết cấu trục rõ ràng, nhưng do đựng trong niêu lòng sâu nên được chụp ở góc nghiêng cao khoảng 60 độ​​​​​​​)

 

3.3 Góc chụp cho món ăn có đa kết cấu:

Đây có thể xem là loại kết cấu kết hợp từ 2 trường hợp trên. Món ăn sở hữu loại kết cấu này có điểm vàng trải theo cả trục dọc và cả trục ngang. Theo lý thuyết, góc chụp bất kỳ từ 0o – 90o đều có thể nắm bắt được các điểm sáng của món ăn, tuy nhiên, không phải là tất cả. Có thể dễ dàng nhận thấy, tại các góc chụp tiệm cận 2 đầu mút, phải hy sinh một phần kết cấu của món ăn: tiệm cận 0o chỉ thấy được kết cấu trục dọc và tiệm cận 90o chỉ thấy được kết cấu trục ngang. Do đó, góc chụp tối ưu cho món ăn đa kết cấu là từ 15o – 75o.

 

(Ly nước trà trái cây này có kết cấu đa trục, nên được chụp ở góc 45 độ​​​​​​​)

 

(Cùng là ly cocktail, có kết cấu đa trục. Nếu như hình bên trái được chụp ở góc 45 độ, thể hiện đầy đủ các yếu tố thì hình bên phải, vì muốn có nền bokeh đàng sau nên góc chụp là 0 độ. Ở góc chụp này, ta đã hy sinh hình ảnh bề mặt của ly)

 

3.4 Những trường hợp ngoại lệ

Có thể nhận thấy nhiều khung ảnh không thực sự tuân theo nguyên tắc này, khi góc máy không nắm bắt trục kết cấu của món ăn. Đây là trường hợp trục kết cấu cá thể nghịch với trục kết cấu tổng thể. Có nghĩa là, các cá thể món ăn, khi được sắp đặt vào khung hình, tạo nên một tổng thể lớn thì trục kết cấu tổng thể này lại ngược lại với trục kết cấu của cá thể. Trong trường hợp này, nhiếp ảnh gia buộc phải hy sinh cái nhỏ để phục vụ cho cái tổng thể lớn hơn vì mục đích cuối cùng, vẫn là mong muốn thể hiện được ý đồ của người chụp qua bức ảnh.

(Bánh Oreo có kết cấu trục dọc phân tầng, nhưng do nó không phải là nhân vật chính của bức ảnh nên ta có thể bỏ qua yếu tố đó)​​​​​​​


[/tintuc]

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét